Theo Nghị quyết, quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch cấp Quốc gia, cấp vùng, quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); phát triển bền vững, tuân theo quy luật “thuận thiên”; đưa kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và chuyển đổi số trở thành nhân tố đóng góp chủ yếu cho nâng cao chất lượng tăng trưởng. Đảm bảo môi trường, thiên nhiên cho sự phát triển bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, không đánh đổi phát triển kinh tế gây hủy hoại môi trường.
Cùng với đó, phát huy tối đa nhân tố con người, xem hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của người dân là cốt lõi và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Đồng Tháp là yếu tố, sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Chủ động hợp tác và hội nhập, thúc đẩy vai trò của tỉnh Đồng Tháp trong các mối quan hệ liên kết giữa các tỉnh trung tâm vùng ĐBSCL, vị trí chuyển tiếp trên hành lang kinh tế – đô thị Campuchia – TP Hồ Chí Minh, giữa vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
1. Mục tiêu phát triển đến năm 2030
Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Đồng Tháp phát triển cân bằng, toàn diện và bền vững. Nông nghiệp đổi mới là động lực chủ yếu cho tăng trưởng, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đưa Đồng Tháp trở thành một trong những trung tâm sản xuất và chế biến nông sản quan trọng của vùng.
Các chỉ số phát triển kinh tế chủ yếu xếp trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu của vùng ĐBSCL, đạt trên mức trung bình của cả nước; xếp trong nhóm dẫn đầu vùng ĐBSCL về chuyển đổi số và một số lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế. Hạ tầng giao thông nội tỉnh kết nối thông suốt, hình thành các trục giao thông kết nối liên vùng; kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại.
2. Tầm nhìn đến năm 2050
Định vị vai trò, tính chất, đẩy mạnh đầu tư cho Trung tâm đầu mối cấp vùng tại TP Cao Lãnh dựa trên Khu công nghiệp Trần Quốc Toản hiện hữu với tổng quy mô dự kiến 200 – 400ha, trở thành một trung tâm chế biến – cung ứng cấp vùng với nguồn nguyên liệu ổn định tại chỗ và sản phẩm có khả năng chế biến sâu.
Tạo điều kiện đẩy nhanh đầu tư các tuyến hạ tầng giao thông cấp vùng đi qua tỉnh Đồng Tháp (cao tốc Hồng Ngự – Cao Lãnh – Trà Vinh với giai đoạn đầu là đoạn An Hữu – Cao Lãnh, cao tốc N2 kết nối Mỹ An – Cao Lãnh, tuyến đường kết nối Sa Đéc (Đồng Tháp) – Ô Môn (TP Cần Thơ) – Giồng Riềng (Kiên Giang), tuyến kết nối Khánh Bình – Chợ Mới (An Giang) – Lấp Vò (Đồng Tháp), tạo tiền đề thu hút các doanh nghiệp có quy mô dịch vụ cấp Quốc gia và quốc tế; đẩy mạnh lĩnh vực phát triển đô thị và dịch vụ đô thị sau năm 2025.
Bên cạnh đó, phát triển các không gian kinh tế – đô thị mới dựa trên mối quan hệ liên kết – hợp tác vùng với TP Cần Thơ qua sông Hậu (hành lang ven sông Hậu), với TP Hồ Chí Minh (trục xuyên Đồng Tháp Mười từ TP Cao Lãnh), với nước bạn Campuchia (khu vực cửa khẩu theo tuyến đường bộ và đường thủy). Định vị các đô thị mới dựa trên lợi thế và đặc trưng địa phương để tạo hiệu ứng về quảng bá thương hiệu lãnh thổ, thu hút lưu trú và phát triển dịch vụ, du lịch theo chuyên đề.
Ngoài các lĩnh vực thương mại, dịch vụ truyền thống, cần tạo điều kiện cho các lĩnh vực dịch vụ đổi mới: thu mua/tồn trữ/giao dịch quy mô lớn; cảng vụ/logistic; quản lý/cho thuê/bảo trì tài sản và công cụ sản xuất kinh doanh; các dịch vụ tài chính (tín dụng, kiểm toán, định giá, tín dụng tài chính); các dịch vụ chuyển giao/giải pháp online và 4.0; dịch vụ bất động sản; dịch vụ trung cao cấp về giáo dục, y tế, văn hóa, giải trí nghỉ dưỡng.
Liên kết với các tỉnh Long An, Tiền Giang để xây dựng Dự án đột phá Tiểu vùng Đồng Tháp Mười mang tầm Quốc gia, mục tiêu xây dựng Đồng Tháp Mười thành Trung tâm dự trữ phát triển quốc gia cả ở khía cạnh Trung tâm dự trữ nguồn nước ngọt, nguồn phù sa lẫn Trung tâm khai thác tài nguyên nông nghiệp và du lịch theo tọa độ vùng, Quốc gia,…